RSS

Giải Phóng Sài Gòn 2005

- Tên phim: Giải Phóng Sài Gòn - Giải Phóng Sài Gòn 2005
- Đạo diễn: Long Vân
- Diễn viên: NSƯT Hà Văn Trọng, Khương Đức Thuận, NSƯT Hoàng Quân Tạo, Dương Trọng Hiếu, Nguyễn Sĩ Hiền, Bùi Đức Hùy, NSƯT Hồ Tháp, Nguyễn Tiến Hợi, Nguyễn Hữu Phước, Minh Hoàng, NSƯT Lan Hương, NSƯT Mạnh Dung, Hùng Phương, Bùi Ngọc Thảo, Thanh Thúy, Quốc Thảo, Phạm Cường, Tấn Thành, Hoàng Trí Phúc, NSƯT Hứa Thành Hội, Ratsencop, Tom Du Can, Mark Procter, Ré Dé, Quang Đại, Hai Nhất,...Và một số diễn viên khác...
- Sản xuất: Đang cập nhật
- Thể loại: Phim Việt Nam
- Thời lượng: 122 phút
- Năm sản xuất: 2005
- Quốc gia: Việt Nam


        Xem Phim Online




Bộ phim Giải Phóng Sài Gòn phải thực hiện một trách nhiệm to lớn: tái hiện lại cuộc tổng tấn công năm 1975 từ đầu đến cuối, trong 2 giờ đồng hồ. Phim đạt được phần nào mục tiêu lớn ấy. Không giống như phim truyện ( cần có "truyện", có cao trào, với những hồi hộp gay cấn ), nhân vật chính của phim chính là cuộc tổng tấn công lịch sử năm 1975. Bộ phim lần lượt giới thiệu cho khán giả những nhân vật lịch sử có thật, đây là tổng bí thư Lê Duẩn đứng trầm ngâm suy nghĩ về thời cuộc và nhớ đến Hồ Chủ Tịch, đây là đại tướng Võ Nguyên Giáp đầy căng thẳng và quả quyết chỉ huy trận chiến từ xa, đây là đồng chí Sáu Dân ( Võ Văn Kiệt ) và thượng tướng Trần Văn Trà hiền lành và hoà đồng với anh em ở chiến khu D, đây là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bất lực trước những chiến thắng của quân đội ta và sự bỏ rơi của nước Mỹ, đây là Nguyễn Hữu Hạnh, người của ta cài vào hàng ngũ địch để đến phút chót đã thuyết phục tổng tống Dương Văn Minh thương thuyết và đầu hàng, không gây đổ máu nhân dân và binh sĩ, đây là ông đại sứ Martin, người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam trong cuộc đào thoát năm 1975...; những trận đánh lịch sử nổi tiếng, ở Huế, rồi Xuân Lộc, rồi cuộc tấn công vào Sài Gòn ngày 30.4.1975...



Đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn (bên trái, đang nghe điện thoại) và đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) trong cuộc họp chỉ huy chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh



Đại tướng Dương Văn Minh (ngồi bên trái) và đại sứ Mỹ Martin (đứng bên phải) đang bàn tính kế hoạch hất cẳng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu



Lính ngụy ở Xuân Lộc giơ cao súng quyết tử thủ, nhưng chúng đã thất bại nặng nề sau đó, dù có sự chỉ huy của tướng Mỹ Wayan



Cuộc đụng độ ở Xuân Lộc, cứ điểm quan trọng mà từ đó ta đã liên tục chiến thắng với chiến dịch thần tốc táo bạo

Lần lượt giới thiệu như một cái nhìn toàn cảnh, cũng có nghĩa là không khắc hoạ chi tiết, không điểm nhấn, không dấu ấn, con người và sự kiện cứ lần lượt sắp hàng xuất hiện như điểm danh. Nhưng điểm danh cũng không đến nơi đến chốn. Làm phim lịch sử, muốn thể hiện cái thần tốc, cái táo bạo mà không để người xem nhìn thấy những cộc mốc thời gian, ngày nào tiến đến đâu, giờ nào đánh với ai. Những dòng chữ "Huế, tháng 4 năm 1975", "Xuân lộc, tháng 4 năm 1975", "Sài Gòn, tháng 4 năm 1975" sao mà hời hợt đến thế. Làm sao có thể cảm nhận được chúng ta đánh nhanh, thắng lớn khi khán giả không được cung cấp những chi tiết quan trọng ấy? Yếu tố lịch sử vì thế mà giảm đi hẳn giá trị, nói cách khác "tính cách nhân vật chính" không được lột tả đến nơi.

Đáng tiếc nhất, "số phận của nhân vật chính" ở đoạn cuối cùng lại càng bị thể hiện đuối sức. Ta đến cửa ngõ Sài Gòn lúc mấy giờ? Không biết. Xe tăng tông cửa Dinh Độc Lập lúc mấy giờ? Không biết. Anh chiến sĩ lái xe tăng ấy tên gì? Cảm xúc anh lúc ấy ra sao? Không biết. Ai là người cầm lá cờ chạy lên nóc Dinh Độc Lập để treo? Không biết. Treo lúc mấy giờ? Không biết. Treo như thế nào? Không biết. Ông Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng lúc mấy giờ? Không biết. Người dân Sài Gòn khi nghe đài phát lời ông Minh ra sao? Không biết. Những người lính ngụy và gia đình họ đối mặt với chiến thắng vẻ vang của quân đội ta ra sao trong ngày 30.4 ấy? Không biết.

Đột nhiên phim hết. Không nói đến những số phận của các nhân vật phụ vốn được điểm xuyến lấm chấm ( và cũng tạo được chút xúc động ) bị bỏ ngỏ, bị quăng ra rồi để đó, số phận của "nhân vật chính" cũng đột ngột chấm dứt. Phim hết. Khán giả chưa kịp ngồi tận hưởng cái không khí chiến thắng vẻ vang, thì phim hết.

Vì hết tiền?
Vì hết giờ?
Hay vì hết sức?



Cuộc chạy loạn của lính ngụy và các gia đình thân Mỹ ở sân bay Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 4.1975



Những trận chiến nảy lửa của ta tấn công vào sào huyệt và các yếu điểm của địch



Nội các của tổng thống Dương Văn Minh ngồi chờ thương thuyết ở dinh Độc Lập trong ngày 30.4. Nhưng làm sao có thể thương thuyết, bởi quân đội ta là người chiến thắng và Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng

Sự đuối sức thể hiện không chỉ ở sự chấm dứt đột ngột, mà còn ở sự thiếu vắng những khung cảnh hân hoan của người dân với chiến thắng vẻ vang ( dù rằng có cảnh vài ba người đứng lẻ loi cầm hoa vẫy tay chào chiến sĩ lái xe tăng vào thành phố ). Tôi không biết đêm 30.4, sau những tháng ngày đen tối, thì những người dân sống trên đất Sài Gòn cảm thấy thế nào? Họ đã ăn mừng ra sao? Cũng có những gia đình đau khổ vì người thân đứng bên kia chiến tuyến. Còn bao nhiều điều để nói. Số phận của "nhân vật chính", được khắc hoạ ở đoạn đầu kỳ công mà đến cuối không được giải quyết trọn vẹn. Sự hụt hẫng khi bộ phim kết thúc đã khiến bộ phim Giải phóng Sài Gòn không để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng thế hệ trẻ.

Không thể không nhắc đến những phần "phim truyện" điểm xuyến trong phim. Điểm xuyến nhưng lại đắt giá. Một người lính ngụy cố gắng nài nỉ người mẹ của mình rời khỏi Huế để chạy loạn, nhưng bà mẹ lại muốn ngồi lại chờ người con trai lớn đi từ thời chống Pháp chưa về. Bà cũng không muốn rời xa quê cha đất tổ, bà muốn con trai ở lại với mình và tìm sự khoan hồng từ Cách mạng. Nhưng đứa con trai cuối cùng cùng bỏ chạy để tìm đường sống, bỏ mặc người mẹ già phía sau. Hai vợ chồng Trần Du - Bảy Lương hai mươi năm trời không gặp nhau vì chiến tranh chia cắt. Một người hoạt đồng ở chiến khu D, một người làm công tác dân vận, biệt động thành. Cả hai tưởng cậu con trai đi du học, nào ngờ cậu chàng lại bỏ trốn đi làm lính lái xe tăng. Cả gia đình cùng có mặt trong cuộc tổng tấn công lịch sử. Nghe tin con trai đang có mặt ở đội xe tăng, Trần Du lên xe tìm con giữa đêm mịt mùng, cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cảm động hơn là khi hai mẹ con Trần Bình - Bảy Lương gặp nhau, vì xa cách quá lâu mà cả hai đều không nhận mặt được nhau, giáp mặt nhau mà như người lạ, để rồi mãi mãi không bao giờ họ còn được đoàn tụ. Là câu chuyện lãng mạn nhẹ nhàng của cô gái dẫn đường cho chiến sĩ vào thành với anh lính xe tăng. Là chuyện của người vợ tìm chồng vừa được ân xá khỏi nhà tù chính trị rồi tất tưởi chuẩn bị cho chiến dịch đang ngày càng gấp rút. Điều đáng tiếc, cũng như "số phận nhân vật chính", khán giả không biết được số phận của những tuyến nhân vật này sau chiến thắng vẻ vang. Họ xuất hiện và biến mất. Số phận của họ không được giải quyết đến nơi và thuyết phục.



Người lính ngụy này đã bỏ mặc lại mẹ già để dắt vợ và con chạy loạn



Bảy Lương không bao giờ còn được nghe tiếng gọi "Mẹ" của cậu con trai, dù cô đã giáp mặt con nơi chiến trường. Họ không gặp nhau đã bao năm và không nhận ra nhau nữa...



Trần Bình, anh chiến sĩ trẻ người Hà Nội, nhưng bố mẹ đều là người Nam và đang chiến đấu ở chiến trường khói lửa. Anh hy sinh vào đúng buổi sáng 30.4, khi chiến thắng đã gần kề... Út Liên, cô giao liên nhỏ nhắn dắt các anh chiến sĩ giải phóng quân vào thành đô để giành lấy chính quyền trong ngày 30.4 lịch sử.

Dù sao, Giải phóng Sài Gòn, như lời đạo diễn Long Vân nói, làm ra để cho thế hệ mai sau. Phim sử dụng để chiếu trong các trường học cho học sinh được học sử bằng hình sôi động hơn, biết thêm chút thông tin bên lề, ( dĩ nhiên, giáo viên phải chú thích thêm giờ giấc cho chính xác ). Phim có những đại cảnh hoành tráng, âm thanh tốt, lực lượng diễn viên quần chúng quá hùng hậu, với những cái chết nhanh chóng ( không bị chết kiểu cải lương, hát bài ca tìm vợ như nhiều phim khác - dù không ít diễn viên quần chúng khi đóng cảnh hy sinh đã... từ từ phủi đất rồi nằm xuống chết! ), những cảnh xe tăng, thiết giáp, trực thăng tổng tấn công ( đặc biệt cảnh xe tăng của ta phục kích thiết giáp của địch khá ấn tượng và đáng nhớ ) cũng đáng nể so với các phim Việt Nam trước đến nay, cảnh tấn công các sân bay được làm cũng hoành tráng với máy bay bị bắn cháy nổ long trời...

Một trong những phim bạn nên đi xem, dù thích hay không thích phim Việt Nam.

Xem thêm tại đây: http://phimhp.com/movie/info/3285/giai-phong-sai-gon.html

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

;